Bệnh gút là một dạng viêm khớp do rối loạn chuyển hóa purin, dẫn đến tích tụ axit uric trong máu, kết tinh thành tinh thể urat và lắng đọng ở khớp gây đau nhức, sưng đỏ. Ngoài yếu tố di truyền và sinh lý, chế độ ăn uống đóng vai trò then chốt trong việc kiểm soát và phòng ngừa các cơn gút cấp. Vậy bệnh gút không nên ăn quả gì? Liệu người bị gút có cần phải chọn lựa trái cây – loại thực phẩm vốn thường được xem là rất lành mạnh?
1. Ảnh hưởng của trái cây tới bệnh gút
Chế độ ăn có thể tác động mạnh đến mức axit uric trong máu. Nhiều loại thực phẩm chứa purin – một hợp chất có trong tế bào sống khi bị phân hủy sẽ tạo ra axit uric. Nếu cơ thể sản xuất quá nhiều hoặc thải quá ít axit uric, nồng độ sẽ tăng cao, dẫn đến nguy cơ mắc hoặc làm trầm trọng thêm bệnh gút.
Không chỉ thịt đỏ, nội tạng động vật, hải sản mới giàu purin mà một số loại trái cây, đặc biệt là trái cây nhiều đường fructose, cũng có thể gián tiếp làm tăng axit uric. Fructose khi vào cơ thể sẽ kích thích gan sản xuất nhiều purin nội sinh hơn, từ đó làm tăng nguy cơ kết tủa tinh thể urat. Chính vì vậy, người bị gút không thể ăn trái cây một cách tùy ý như người bình thường.

2. Người bị gút không nên ăn quả gì?
Việc lựa chọn đúng loại trái cây và ăn đúng cách là yếu tố quan trọng trong kiểm soát bệnh gút. Người bị gút không nên ăn những loại quả có lượng đường đơn fructose cao, các loại trái cây khô, nước ép trái cây đóng chai hay những loại quả chua có tính acid cao.
2.1. Quả có hàm lượng đường đơn fructose cao
Fructose là loại đường đơn có tự nhiên trong trái cây. Khi fructose được chuyển hóa, nó tạo ra các sản phẩm phụ làm tăng sản sinh axit uric trong cơ thể. Những loại quả sau thường rất ngọt và chứa hàm lượng fructose cao mà người bị gút cần tránh như:
- Nho: Mặc dù giàu chất chống oxy hóa nhưng nho có lượng đường khá cao, đặc biệt là fructose.
- Lê: Có vị ngọt tự nhiên, chứa nhiều đường, đặc biệt là đường đơn.
- Táo: Một quả táo trung bình có thể chứa đến 10g đường fructose.
- Xoài: Rất ngọt và thơm, nhưng chứa nhiều đường đơn, không phù hợp cho người bị gút.
- Dưa hấu: Mát và giải nhiệt nhưng chứa nhiều fructose, làm tăng nguy cơ bùng phát cơn gút.

2.2. Các loại trái cây khô
Các loại trái cây sấy khô như mận khô, nho khô, xoài sấy, chuối sấy,… có mật độ đường rất cao do quá trình chế biến đã loại bỏ hoàn toàn nước, khiến đường trong quả bị cô đặc. Hơn nữa, trái cây sấy thường được thêm đường trong quá trình chế biến càng làm tăng nguy cơ cho những người bị gút.
2.3. Nước ép trái cây đóng chai
Nước ép trái cây đóng chai dù được ghi là “100% nước trái cây” vẫn có thể chứa đường phụ gia hoặc chất bảo quản. Chúng cũng không có chất xơ như trái cây tươi, nên hấp thụ đường rất nhanh, gây tăng đường huyết và gián tiếp làm tăng axit uric, ảnh hưởng rất xấu tới bệnh gút của bạn.

2.4. Các loại quả chua có tính acid mạnh
Một số loại quả như chanh, cam, quýt, khế thường rất chua và có tính acid cao. Mặc dù các loại quả này không làm tăng axit uric trực tiếp, nhưng nếu dùng nhiều khi đang bị đau khớp có thể gây kích ứng dạ dày, nhất là đối với nhóm người bệnh gút đang dùng thuốc chống viêm. Tuy không cần phải cấm ăn quả chua tuyệt đối nhưng người bệnh cũng chỉ nên dùng với một lượng vừa phải.
3. Các loại trái cây dành cho người bị gút
Không phải loại trái cây nào cũng có hại cho người bị gút. Nhiều loại quả thực sự giúp hỗ trợ đào thải axit uric, giảm viêm và phòng ngừa cơn gút cấp. Các loại quả phù hợp cho người bị bệnh gút có thể kể đến như quả anh đào (cherry), dâu tây, việt quất, mâm xôi, dứa, bưởi hay đu đủ, dưa chuột,…
3.1. Quả anh đào (cherry)
Quả anh đào (Cherry) có tác dụng giảm viêm, giảm tần suất các cơn gút cấp. Nhiều nghiên cứu cho thấy, ăn khoảng 10-12 quả cherry mỗi ngày có thể giảm tới 35% nguy cơ tái phát cơn đau gút. Chất anthocyanin trong cherry cũng giúp kháng viêm tự nhiên và hỗ trợ ổn định nồng độ axit uric.

3.2. Dâu tây, việt quất, mâm xôi
Nhóm quả mọng (berries) như dâu tây, việt quất, mâm xôi rất giàu vitamin C, chất chống oxy hóa và ít fructose. Vitamin C giúp tăng bài tiết axit uric qua thận, hỗ trợ kiểm soát bệnh gút. Chúng cũng có chỉ số đường huyết thấp, an toàn cho người bị bệnh chuyển hóa.
3.3. Quả dứa
Quả dứa chứa bromelain – một enzym có tác dụng giảm viêm và đau khớp. Ngoài ra, dứa cũng ít purin và có thể hỗ trợ tiêu hóa protein hiệu quả hơn. Tuy nhiên ăn quá nhiều dứa có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày, vì vậy chỉ nên cần tiêu thụ dứa ở mức độ vừa phải.
3.4. Quả bưởi
Quả bưởi giàu vitamin C, giúp tăng đào thải axit uric ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, loại quả này cũng chứa rất ít đường, không làm tăng đường huyết nhiều nên phù hợp cho người bị gút và có nguy cơ tiểu đường cao.

3.5. Quả đu đủ
Quả đu đủ chín chứa nhiều chất có lợi như vitamin A, C và chất xơ. Ăn đu đủ vừa giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa, vừa giúp kiểm soát cân nặng và chống oxy hóa. Ngoài ra, đu đủ còn có enzym papain giúp kháng viêm nhẹ.
3.6. Dưa chuột, cà chua
Dưa chuột và cà chua vốn là những loại quả có hàm lượng nước cao, giúp lợi tiểu và tăng đào thải axit uric. Chúng cũng chứa ít calo, phù hợp với người cần kiểm soát cân nặng – một yếu tố quan trọng trong điều trị gút.
4. Lưu ý khi ăn trái cây cho người bị bệnh gút
Trái cây vốn là một loại thực phẩm lành mạnh, nhưng đối với những người bị bệnh gút, việc ăn trái cây vẫn cần chú ý một số điểm quan trọng để tránh phản tác dụng và làm bệnh trầm trọng hơn.
Ăn với lượng vừa phải
Người bị bệnh gút không nên ăn quá nhiều trái cây trong ngày, kể cả các loại tốt cho gút. Mỗi ngày chỉ nên ăn khoảng 2 – 3 khẩu phần trái cây (tương đương 200 – 300g). Ăn quá nhiều trái cây có thể làm tăng lượng đường, ảnh hưởng đến chuyển hóa và làm bệnh gút trở nặng.

Tránh ăn trái cây lúc đói
Một số loại trái cây chua hoặc trái cây chứa nhiều đường không nên ăn lúc đói vì dễ gây kích ứng dạ dày hoặc làm tăng đường huyết đột ngột. Tốt nhất người bị gút chỉ nên ăn trái cây sau khi dùng bữa chính hoặc ăn kèm trái cây với bữa phụ.
Ưu tiên trái cây tươi, nguyên quả
Trái cây tươi chứa đầy đủ chất xơ, giúp giảm hấp thụ đường và hỗ trợ tiêu hóa. Tránh ăn trái cây ép sẵn, sấy khô, hoặc ngâm đường. Những sản phẩm này không còn giữ nguyên lợi ích dinh dưỡng ban đầu và có thể chứa đường hoặc phụ gia gây hại.

Theo dõi phản ứng của cơ thể
Mỗi người có một cơ địa khác nhau và phản ứng của cơ thể với mỗi loại quả là khác nhau. Chính vì vậy, nếu sau khi ăn một loại quả nào đó mà người bệnh thấy xuất hiện triệu chứng đau khớp, sưng viêm thì sau này cần tránh ăn những loại trái cây đó. Đồng thời xem lại chế độ ăn và tham khảo ý kiến bác sĩ dinh dưỡng hoặc chuyên khoa.
Bệnh gút không nên ăn quả gì? Trái cây là một phần không thể thiếu trong chế độ ăn uống lành mạnh, kể cả với người bị bệnh gút. Tuy nhiên không phải loại nào cũng tốt với người bị bệnh gút, việc lựa chọn đúng loại trái cây ít fructose, giàu vitamin C, có tính kháng viêm sẽ hỗ trợ kiểm soát axit uric và giảm nguy cơ tái phát cơn đau gút. Và quan trọng hơn hết, cần ăn trái cây ở mức độ hợp lý và kết hợp với lối sống lành mạnh để kiểm soát bệnh gút hiệu quả lâu dài.